Khảo sát

Bạn đánh giá thế nào về công tác chống dịch hiện nay ở Hà Nội?
  • Rất tốt

    Số phiếu: 5 83.3%
  • Chưa tốt lắm

    Số phiếu: 1 16.7%
  • Rất kém

    Số phiếu: 0 0.0%

Trải nghiệm của 9X Việt tại Học viện Hý kịch Trung Quốc

H

Trải nghiệm của 9X Việt tại Học viện Hý kịch Trung Quốc​

6h hàng ngày, Trọng Hiếu ra bờ sông trong trường luyện khí công rồi lên lớp học đài từ, khống chế cơ thể và dùng âm thanh để diễn tả cảm xúc...
Nguyễn Trọng Hiếu, 24 tuổi, sinh viên năm hai khoa diễn viên kịch điện ảnh, Học viện Hý kịch Trung ương Trung Quốc, trở về Việt Nam hồi đầu năm 2020 và hiện chưa thể quay lại trường. Do đặc thù trường nghệ thuật, học online gặp nhiều khó khăn, Hiếu xin bảo lưu, chờ được đi học trực tiếp.
Dù xin bảo lưu, Hiếu vẫn tranh thủ vào học online nghe thầy cô giảng, rèn luyện tiếng Trung. Hiện Hiếu làm việc ở TP HCM, tự kiếm tiền trang trải cuộc sống. Chàng trai tâm sự cảm thấy may mắn khi giành được học bổng 5 năm tại lò đào tạo minh tinh hàng đầu châu Á.
Nguyễn Trọng Hiếu, 24 tuổi, quê Thái Nguyên, hiện bảo lưu kết quả học tại Học viện Hý kịch Trung ương Trung Quốc. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Nguyễn Trọng Hiếu, 24 tuổi, quê Thái Nguyên, hiện bảo lưu kết quả học tại Học viện Hý kịch Trung ương Trung Quốc. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Trước khi sang Trung Quốc, Hiếu là sinh viên năm nhất Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội. Có hai cách để xin học bổng, đó là tự thi HSK (kỳ thi kiểm tra trình độ Hán ngữ) và nộp qua website của chương trình học bổng hoặc nộp hồ sơ xin học bổng chính phủ Trung Quốc (CSC) qua trường đại học mà bạn đang theo học. Nếu đi theo cách một, ứng viên khó có cơ hội được chọn vì mức độ cạnh tranh trực tiếp rất lớn.
Hiếu đi theo cách thứ hai. Khi xét duyệt học bổng, Đại học Sân khấu Điện ảnh sẽ lựa chọn sinh viên phù hợp dựa trên các tiêu chí như điểm trung bình học tập, ý thức học... Qua vòng sơ tuyển, Hiếu phải chuẩn bị phần thi tài năng, biểu diễn trước thầy hiệu trưởng cùng thầy cô trưởng, phó khoa. "Đỗ vòng trung tuyển mới có thể coi là bạn đã thực hiện được nửa giấc mơ đến với cái nôi nghệ thuật lớn nhất nhì châu Á", Hiếu cho biết.
Sang Trung Quốc năm 2017, Hiếu học một năm tại Học viện Ngoại ngữ số 2 Bắc Kinh. Du học sinh phải học hoàn toàn bằng tiếng Trung, do đó Hiếu đặt mục tiêu phải chinh phục được ngôn ngữ này. Hiếu làm quen với những người bạn nước ngoài để đồng hành học, là thành viên của nhiều nhóm liên quan tới học tiếng Trung, tham gia hoạt động giao lưu ở trường.
Khi đã xác định rõ mục tiêu và xem việc học tiếng là sở thích, Hiếu không còn áp lực mà thấy hứng thú, muốn được khám phá, biết nhiều hơn. Nhờ đó, cậu là lưu học sinh ưu tú khóa 2017-2018 của học viện ngoại ngữ.
Xuất sắc trải qua các kỳ thi tiếng, Hiếu tiếp tục thi thêm vòng ra mắt của Học viện Hý kịch. Lần đó, Hiếu trình bày hai tiết mục: Hát bằng tiếng Trung và biểu diễn hình thể với một du học sinh Ukraine. Vượt qua vòng này, nam sinh chính thức đặt chân vào học viện nghệ thuật danh tiếng.
Hiếu trong một lần biểu diễn tại trường ở Trung Quốc. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Hiếu trong một lần biểu diễn tại trường ở Trung Quốc. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Trường có hai cơ sở ở khu Đông Thành và ngoại thành (vành đai số 6). Sinh viên sẽ học ở cơ sở mới tới hết năm thứ ba, đến năm thứ tư sẽ chuyển về cơ sở cũ. Bài tốt nghiệp của sinh viên năm thứ tư cũng diễn ra ở đây.
Ngay khi đặt chân tới trường, Hiếu bị choáng ngợp bởi không gian rộng lớn, với đường sáu làn xe, nhiều tòa nhà và khu biểu diễn nghệ thuật. "Bước vào cổng trường giống như bước vào một ngôi nhà nghệ thuật, khiến em có cảm giác muốn sáng tạo, làm những điều lớn lao. Mọi chi tiết đều tạo cảm hứng và mang đến trải nghiệm tích cực cho sinh viên", Hiếu kể.
Điều khiến chàng sinh viên Việt ấn tượng là cơ sở vật chất của trường hiện đại với sân bóng rổ, bàn bi-a, bể bơi và nhiều phòng tập. Thầy cô dạy học đều là những nghệ sĩ nổi tiếng ở Trung Quốc, có tiếng nói trong ngành. Hiếu học cùng khóa với các diễn viên Lý Lan Địch, Hồ Tiên Hú, Dịch Dương Thiên Tỉ... nhưng sinh viên nước ngoài học riêng.
Ở Học viện Hý kịch Trung ương, sinh viên phải luyện khí công buổi sáng, được xem như môn học bắt buộc. Sinh viên điểm danh bằng vân tay, sau đó ra bờ sông trong trường để luyện tập.
Đúng 6h, Hiếu đứng ở bờ sông bên này để luyện các bài hò, vè bằng tiếng Trung với một người bạn khác ở bờ bên kia. Họ phải tập tới khi nào điều khiển được âm thanh phát ra. Những bài tập khí công giúp sinh viên luyện giọng nói cuốn hút, biết điều tiết hơi thở và nội lực, học cách tập trung.
Hết giờ luyện khí công, đúng 8h, sinh viên bắt đầu lên lớp. Hiếu và các bạn có nhiều việc phải làm như trả bài cho thầy cô giáo, làm bài biểu diễn, ra ngoài làm bài tập (làm tiểu phẩm), lên phòng tập...
Khi học về diễn xuất, Hiếu phải tham gia rất nhiều lớp học như học đài từ, học cách bộc phát cảm xúc, khống chế cơ thể, hành động, biểu diễn thanh nhạc, cách cười, cách phẫn nộ, dùng âm thanh để diễn tả cảm xúc...
Trường có rất nhiều sân khấu biểu diễn, trong đó sân khấu lớn nằm trong tòa nhà chính giữa của trường. Đây là nơi tổ chức sự kiện đặc biệt như biểu diễn kết thúc học kỳ, đoàn nước ngoài về giao lưu hoặc những vở kịch hay được tuyển chọn để diễn lại... Tất cả đều miễn phí với sinh viên trong trường và có giới hạn.
Ở học viện, sự cạnh tranh giữa các sinh viên rất gay gắt. Nhưng trong một môi trường, nơi dòng chảy nghệ thuật liên tục có những ý tưởng mới, việc cạnh tranh giúp mỗi sinh viên trở nên xuất sắc và không ngừng đổi mới. "Em xem đó là sự cạnh tranh cần thiết và đáng giá", Hiếu nói.
Kết thúc năm thứ nhất, Hiếu là lưu học sinh ưu tú khóa 2019-2020 và thuộc top 1 điểm số tổng kết của Học viện Hý kịch Trung ương. Chàng trai cũng giành nhiều giải thưởng về làm phim và hoạt động cộng đồng khác.
Hiếu thích thú khám phá và trải nghiệm cuộc sống học tập tại ngôi trường nghệ thuật hàng đầu châu Á. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Hiếu thích thú khám phá và trải nghiệm cuộc sống học tập tại ngôi trường nghệ thuật hàng đầu châu Á. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Với những bạn có mơ ước du học ở trường nghệ thuật tại Trung Quốc, Hiếu khuyên nên chuẩn bị sẵn sàng tâm lý học tốt tiếng. Nhờ có tiếng Trung, Hiếu không chỉ có lợi thế trong mọi hoạt động, giao lưu, mà còn có nhiều cơ hội việc làm. Khi phải về nước vì dịch bệnh, Hiếu vẫn có thể làm phiên dịch, làm phim.
Hiếu hy vọng dịch bệnh qua đi để trở lại bầu không khí học tập yêu thích và dự định học lên thạc sĩ ngành đạo diễn sau khi tốt nghiệp.
 
Bình luận
Bên trên